Sự nghiệp Cù Mai Công

Võ thuật

Cù Mai Công bắt đầu học Karate Shorin-ryu Việt Nam từ năm 1973, ở võ đường Phú Sĩ 4 trên đường Huỳnh Quang Tiên (nay là Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận) với võ sư Đào Thu Thủy[1], nhưng ông chỉ học hơn nửa năm, đến đai vàng thì nghỉ. Năm 1979, ông học trở lại môn phái này ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, và học với chưởng môn đời thứ 3 Huỳnh Văn Hiệp của môn võ [2]

Đến năm 1983, ông lên đai đen, rồi đai nhất đẳng năm 1984, nhị đẳng 1986, tam đẳng Karatedo Shotokan của Hội Karatédo TP.HCM 1988. Cũng trong năm 1988, lúc mới 26 tuổi, ông là thư ký Ban chấp hành Hội Karate-do TP.HCM gồm ba người; ông Nguyễn Văn Ái là chủ tịch và ông Vĩnh Tuy là phó chủ tịch.

Năm 1989, ông nhận tam đẳng Karate Shorin Ryu Việt Nam, rồi tứ đẳng Karate Shorin-ryu Việt Nam 2004. Ông nhận ngũ đẳng hệ thống Tổng đàn Quốc tế Seiyo no Shorin-Ryu Karate Kobudo Kai vào năm 2008.

Ngày 11 tháng 1 năm 2011, Võ sư Công nhận bằng lục đẳng ISKKF. Năm 2018, nhận thất đẳng ISKKF (International Shorin-ryu Karate Kobudo Federation - Liên đoàn Shorin-ryu Karate Kobudo Quốc tế). Trước đó, võ sư Cù Mai Công đã trở thành quyền Chưởng môn Karate Shorin-ryu Việt Nam vào tháng 3 năm 1987, khi đó ông mới 25 tuổi[3][4]

Ngày 1 tháng 8 năm 2017, Võ sư Cù Mai Công nhận chu sa đai danh dự Vịnh Xuân chính thống phái do đích thân đại sư Nam Anh, chưởng môn đời thứ 6 Vịnh Xuân chính thống phái trao. Việc trao đai chu sa này thực hiện sau một cuộc họp đột xuất, với sự thống nhất của toàn bộ lãnh đạo các võ đường trên thế giới của môn phái Vịnh Xuân chính thống.[5]

Từ 1979 đến 2021, 42 năm, võ sư Cù Mai Công đã tham gia tập luyện và phụ trách đào tạo hơn 5.000 võ sinh bộ môn Karatedo của Nhà Văn Hóa Thanh Niên Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 100 khóa (mỗi khóa từ 3 đến 6 tháng).[6]Võ sư Cù Mai Công là đại diện chính thức của ISKKF ở Việt Nam từ danh hiệu Renshi (錬士) 6 đẳng (năm 2011) lên Kyoshi (教士) 7 đẳng (2019). Ông là võ sư Chưởng môn đời thứ tư của Karate Shorin-ryu Việt Nam hiện nay và có quyền là một thành phần ký xác nhận của Shorin Việt Nam trong đào tạo, kiểm tra, phong đến 5 đẳng cùng phong danh hiệu đến Renshi (錬士) 5 đẳng trong hệ thống bằng của hệ thống ISKKF – có giá trị quốc tế.[7]

Nghề báo

Ngay từ nhỏ Cù Mai Công đã làm thơ, viết văn. Từ năm 1977 đến năm 1978, Cù Mai Công đã đạt được 05 giải thơ của báo Thiếu niên Tiền Phong, báo Tin Sáng...[6] Được giới thiệu chùm thơ trên báo Khăn Quàng Đỏ năm 1977 và đăng thơ trên trang 1 báo Nhân Dân ngày 1 tháng 6 năm 1979.

Cù Mai Công vốn học ban toán trường Nguyễn Thượng Hiền, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng sau khi tốt nghiệp cấp ba, ông thi khối sử Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Đậu đại học, do điểm văn cao hơn điểm sử, nhà trường đã chuyển ông sang học khoa Ngữ văn.

Năm 1984, Cù Mai Công tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh với số điểm hạng 4/gần 200 sinh viên khóa học 1980-1984. Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có gợi ý giữ lại nghiên cứu, giảng dạy Ngôn ngữ, Văn phương Tây, Văn Việt Nam nhưng ông lại theo nghề làm báo, chính thức từ 1985.

Khi làm báo Khăn Quàng Đỏ, ông phụ trách mảng Đội, phong trào thiếu nhi cùng Nguyễn Thị Lương Ngọc (Chín Thảo), sáng lập và phụ trách Câu lạc bộ Phóng Viên Nhí năm 1987, sau trở thành mô hình "phóng viên báo Đội" trong cả nước.

Năm 1988, ông là một trong bốn thành viên sáng lập, đặt tên tờ Mực Tím: Nguyễn Thị Lương Ngọc, Cù Mai Công, Lê Việt Nga (con nhà thơ Lê Giang), Việt Tiến. Vài tháng sau, Việt Tiến chuyển sang làm Khăn Quàng Đỏ. Sau đó ít lâu, Lê Việt Nga mất. Tờ Mực Tím từ 1989 - 1991 chỉ còn Nguyễn Thị Lương Ngọc, Cù Mai Công tổ chức, thực hiện. Số đầu tiên tháng 11-1988 chỉ in 10.000 số, ba năm sau, năm 1991 lên 75.000 số/kỳ. Năm 1993, lên 105.000 số/kỳ, hàng thứ hai cả nước về số lượng in một kỳ báo lúc đó, chỉ sau báo Tuổi Trẻ (110.000 số/kỳ).

Năm 1993, ông chuyển công tác về báo Tuổi Trẻ cho tới nay (2021).

Từ 1985 đến nay, 2021, trong hơn 36 năm, ông làm phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn cho các tòa báo: Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím, Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cười, Tuổi Trẻ Online. Ông phản ánh, ghi nhận những hoạt động phong trào của Đoàn, Đội, Hội và lối sống của giới trẻ, đặc biệt sinh hoạt của giới trẻ Sài Gòn trong đêm.[6]

"Anh phóng xe ra Vũng Tàu suốt đêm để có phóng sự Đi Vũng Tàu đêm; đeo bám các sàn nhảy, vũ trường rồi giả dạng một con nghiện đạp xe đạp mua hàng chục tép heroin ở các khu buôn bán ma túy “nổi tiếng” để lấy tư liệu viết bài Ai mua heroin, tôi bán heroin cho... Có đồng nghiệp bảo: dường như những người trẻ trong đêm ở đâu, làm gì Cù Mai Công đều biết và biết rất rõ."_Trích Báo Tuổi Trẻ[8]

Hai lĩnh vực trong nghề báo mà Cù Mai Công được độc giả biết đến nhiều nhất là khi ông cho ra mắt, phụ trách nhân vật "Anh Cỏ Cú" tại báo Mực Tím từ số 1 đến số 89 (tháng 11 năm 1988 đến tháng 5 năm 1993) và thực hiện gần 200 bài viết, phóng sự về cuộc sống của giới trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 10 năm, 1994-2004.

Từ những hoạt động tích cực trong nghề báo, năm 2005, Cù Mai Công đã được bình chọn là một trong 30 "Gương mặt trẻ của thành phố 30 năm" tại Đại hội Thanh niên tiên tiến Thành phố Hồ Chí Minh, Trong 200.000 phiếu bình chọn, tên Cù Mai Công xếp thứ 8 trong 38 gương mặt cả thành phố.[9][10]